13 ĐIỀU CẦN BIẾT KHI TIÊM VACCINE – COVID TẠI HÀN QUỐC 2021

Từ ngày 27/5, Hàn Quốc bắt đầu tiêm chủng Vaccine COVID cho đối tượng từ 65~74 tuổi, nâng số lượng cơ sở y tế ủy thác tiêm phòng từ hơn 2.000 nơi trên toàn quốc lên trên 13.000 nơi

Có thể bạn quan tâm: Cách đặt lịch tiêm Vaccine COVID-19 tại Hàn Quốc

1. Các loại Vaccine covid ở Hàn Quốc

Theo cập nhật đến ngày 26/5/2021, Hàn Quốc đã cấp phép cho 4 loại Vaccine COVID là: AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ) và Janssen (Bỉ) và Moderna (Mỹ).

4 Loai Vaccine Covid tại Hàn Quốc
  1. ASTRAZENECA (아스트라제네카) của Anh
  • Loại: Viral vector
  • Số lần tiêm: 2 lần (chi phí 3~5 USD/lần tiêm)
  • Hiệu quả phòng dịch: 70.4%
  1. PFIZER (화이자) của Mỹ
  • Loại: mRNA
  • Số lần tiêm: 2 lần (chi phí 19.5 USD/lần tiêm)
  • Hiệu quả phòng dịch: 95%
  1. JANSSEN (야센 ) của Bỉ
  • Loại: Viral vector
  • Số lần tiêm: 1 lần (chi phí 10 USD/lần tiêm)
  • Hiệu quả phòng dịch: 14 ngày đạt 66.9%, sau 28 ngày đạt 66.1%, đều đạt trên 60% ở các nhóm tuổi.
  1. MODERNA (모더나) của Mỹ
  • Loại: mRNA
  • Số lần tiêm: 2 lần (chi phí 15~25 USD/lần tiêm)
  • Hiệu quả phòng dịch: 94.1 %

 

Trong 4 loại Vaccine trên, AstraZeneca có hiệu quả phòng ngừa thấp nhất song giá thành lại rẻ nhất. Hiện việc tiêm phòng Vaccine AstraZeneca với người dưới 30 tuổi đã bị hạn chế do lo ngại phát sinh hiện tượng đông máu hiếm gặp, liên quan đến một số trường hợp đã xảy ra tại các quốc gia

2. Tình hình triệu chứng bất thường và tử vong

  • Tính từ ngày bắt đầu tiêm phòng Vaccine covid 26/2/2021 đến ngày 29/5/2021, tổng cộng đã có 26.859 báo cáo về các phản ứng bất thường sau tiêm ở Hàn Quốc. Có 19.849 báo cáo liên quan đến Vaccine AstraZeneca và 7.010 báo cáo liên quan đến Vaccine Pfizer.
  • Có 179 trường hợp tử vong đã được báo cáo sau khi tiêm chủng (Pfizer 116 ca, AstraZeneca 63 ca). Có tổng cộng 238 trường hợp ban đầu được báo cáo về các triệu chứng bất thường, nhưng sau đó chuyển thành nguy kịch và tử vong.

3. Đối tượng tiêm phòng

Hàn Quốc bắt đầu triển khai tiêm phòng Vaccine COVID từ ngày 26/2/2021

Tính đến ngày ngày 26/5/2021, các đối tượng được ưu tiên tiêm phòng ở Hàn Quốc lần lượt là:

  • Đội ngũ nhân viên y tế đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện chuyên điều trị hoặc trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ
  • Đội ngũ nhân viên y tế thuộc các bệnh viện đa khoa tuyến đầu nơi có nhiều bệnh nhân nặng, nhân viên cấp cứu 119, nhân viên kiểm dịch, điều tra viên dịch tễ
  • Đối tượng sống và làm việc tại các cơ sở chăm sóc người khuyết tật, các trại giam
  • Người làm việc trong cơ sở cư trú của người bị bệnh lao, bệnh phong (cơ sở chăm sóc người cao tuổi quy mô nhỏ; cơ sở dành cho người vô gia cư)

Các đối tượng tiếp tục được ưu tiên tiêm phòng Vaccine COVID trong tháng 6/2021 sẽ là:

  • Người trong độ tuổi từ 65-74
  • Giáo viên các trường học đặc biệt (cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật, nhân viên y tế tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, trường học)
  • Nhân viên y tế làm việc tại các hiệu thuốc, bệnh viện quy mô nhỏ (khoảng 385.000 người), nhân lực thiết yếu xã hội, như cảnh sát, nhân viên cứu hỏa (khoảng 800.000 người), tiếp viên hàng không thường xuyên ra nước ngoài (khoảng 27.000 người).

Từ tháng 6 trở đi, Hàn Quốc sẽ bắt đầu hạ độ tuổi tiêm phòng và tiêm cho dân thường, đặt mục tiêu tiêm xong mũi một cho 36 triệu người (tương đương 70% dân số) cho tới cuối tháng 9/2021, tiếp đó, đạt mục tiêu hình thành miễn dịch cộng đồng vào tháng 11/2021.

4. Người nước ngoài có được tiêm Vaccine COVID không?

Ban đầu chính phủ Hàn Quốc thông báo người nước ngoài cư trú dài hạn và tham gia bảo hiểm y tế cũng được áp dụng tương tự như thứ tự tiêm phòng cho người dân Hàn Quốc.

Nhưng sau khi xét tới tính cần thiết của việc quản lý phòng dịch, ngày 6/4/2021 chính phủ Hàn Quốc tiếp tục thông báo: người nước ngoài cư trú bất hợp pháp trong nước cũng có thể tiêm phòng Vaccine COVID theo tiêu chuẩn tương tự như người nước ngoài cư trú hợp pháp.

  • Tương tự như việc xét nghiệm, khi tiêm phòng Vaccine COVID, người nước ngoài sẽ không bị gặp bất lợi nào, như bị tra cứu hồ sơ có cư trú trái phép hay không, hoặc bị thông báo cho chủ sử dụng lao động.
  • Người nước ngoài cũng phải chờ theo lượt giống người dân Hàn Quốc. Trước tiên là đội ngũ nhân viên y tế và người cư trú tại các viện dưỡng lão, tiếp theo là người mắc bệnh lý nền, người cao tuổi.
  • Ngày 27/4/2021, Hàn Quốc đã tiến hành tiêm Vaccine COVID cho tất cả người nước ngoài có ngày sinh từ 31/12/1946 trở về trước đã lưu trú tại Hàn Quốc trên 90 ngày. Những người cư trú dài hạn nhưng không có số đăng ký người nước ngoài hoặc người được miễn đăng ký thẻ cư trú có thể tiêm Vaccine COVID sau khi nhận số quản lý tạm thời từ trung tâm y tế.
  • Từ ngày 27/5/2021 chính phủ Hàn Quốc chính thức triển khai hệ thống chia sẻ thông tin Vaccine COVID thừa và khuyến khích người dân (bao gồm cả người nước ngoài) chủ động đặt lịch tiêm phòng.

5. Có được chọn loại Vaccine COVID muốn tiêm không?

Người dân Hàn Quốc không được tự chọn loại Vaccine mà sẽ được tiêm theo thứ tự và nguồn nhập khẩu Vaccine được cung cấp trong nước tuỳ từng thời điểm.

Bắt đầu từ ngày 27/5/2021, người dân Hàn Quốc có thể kiểm tra lượng Vaccine còn dư và đặt lịch tiêm chủng online qua nền tảng bản đồ của ứng dụng Naver và Kakao Map.

Vaccine của hãng AstraZeneca được đóng gói 10 liều/lọ, khi đã mở nắp phải tiêm hết trong vòng 06 tiếng đồng hồ, nếu không sẽ phải tiêu hủy. Có trường hợp người dân đặt lịch tiêm nhưng không đến hoặc tiêm 1 liều và còn thừa 9 liều nhưng không có người đến tiêm… dẫn tới tình trạng lãng phí Vaccine.

Chính vì vậy chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng triển khai phương án thông báo về tình hình tiêu thụ Vaccine trên toàn quốc, khuyến khích người dân chủ động đặt lịch tiêm Vaccine, vừa chống lãng phí, vừa đẩy nhanh tiến độ phổ cập Vaccine trên toàn quốc.

Để tra cứu lượng Vaccine còn dư tại khu vực cư trú, người dân chỉ cần truy cập vào bản đồ Vaccine COVID của Naver, hoặc bản đồ Vaccine COVID Kakao Map, hoặc chọn tab 잔여백신 (Vaccine COVID còn dư) trong ứng dụng KakaoTalk.

Chức năng này sẽ được thí điểm trong vòng 2 tuần kể từ ngày 27/5/2021, sau đó triển khai chính thức từ ngày 9/6/2021.

Ngoài tra cứu lượng Vaccine COVID dư ở các cơ sở y tế, người dân Hàn Quốc có thể xác nhận danh tính để đặt lịch tiêm. Những người đã được tiêm, hoặc đã đặt lịch, người sinh sau ngày 1/1/1992 thuộc đối tượng không khuyến nghị tiêm Vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) thì không thể đặt lịch tiêm trong ngày.

6. Lợi ích từ việc tiêm Vaccine COVID

Vào trung tuần tháng 5/2021 có một viện dưỡng lão ở thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi phát sinh 12 ca nhiễm COVID-19, đều là những người không chịu tiêm Vaccine COVID. Vì vậy, tiêm phòng không chỉ giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID, bảo vệ bản thân, mà còn bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19.

Dựa trên những nghiên cứu về Vaccine COVID đối với các bệnh khác và dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm lâm sàng các chuyên gia tin rằng tiêm Vaccine COVID ngừa COVID-19 cũng giúp ngăn ngừa khả năng bị bệnh nặng ngay cả khi đang nhiễm COVID-19.

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những người được tiêm Vaccine  đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm bệnh mà không có triệu chứng (cũng như ít có khả năng lây lan COVID-19 cho những người khác). Tuy nhiên vẫn tiềm ẩn xác suất bị lây nhiễm sau khi tiêm chủng và các nghiên cứu thêm vẫn tiếp tục được thực hiện.

Để khuyến khích người dân tự giác đặt lịch tiêm phòng, từ ngày 26/5/2021 chính phủ Hàn Quốc đã điều chỉnh thêm một số ưu đãi cho người sau khi hoàn thành 2 mũi Vaccine COVID như:)

  • Cấp hộ chiếu Vaccine COVID và miễn cách ly
  • Bắt đầu từ tháng 7/2021, người tiêm xong Vaccine COVID mũi 1 sẽ được bỏ khẩu trang khi đi ngoài đường (những nơi công cộng như công viên, đường leo núi…); được tham gia các hoạt động tôn giáo không giới hạn số người.
  • Người hoàn thành 2 mũi Vaccine COVID sẽ được gặp mặt, đến nhà hàng, quán cà phê, tiệc cưới không giới hạn số người.

7. Tác dụng phụ thường gặp nhất sau khi tiêm Vaccine COVID là gì?

Các tác dụng phụ phổ biến sau khi tiêm Vaccine COVID bao gồm đau, tấy đỏ và sưng ở cánh tay nơi tiêm. Ngoài ra có thể bị mệt mỏi, đau đầu, đau nhức cơ, ớn lạnh, sốt hoặc buồn nôn.

BIểu hiện thường gặp sau khi tiêm Vaccine Covid

Người tiêm phòng ở Hàn Quốc được khuyến cáo ở lại cơ sở tiêm ngừa trong vòng 30 phút sau tiêm để quan sát có phản ứng bất thường hay không.

Để giảm đau vùng cánh tay nơi tiêm có thể áp khăn khô sạch và chườm lạnh lên chỗ tiêm. Để giảm cảm giác khó chịu do sốt có thể uống nhiều nước, mặc trang phục thoáng mát, nhẹ nhàng.

Nếu triệu chứng sốt, đau mỏi kéo dài có thể mua thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau có thành phần acetaminophen.

Các trường hợp nên đến khám bác sĩ sau khi tiêm:

  • Không giảm sốt (trên 39°C) sau 24 giờ
  • Chỗ tiêm đau tấy đỏ quá 48 giờ
  • Khó thở, đau ngực, đau bụng, sưng chân, mắt mờ, suy giảm thị lực trong nhiều ngày liên tục, từ 2~4 tuần
  • Bị bầm tím hoặc chảy máu ở chỗ khác vị trí tiêm

Các trường hợp cần gọi 119 hoặc đến phòng cấp cứu sau khi tiêm:

  • Khó thở hoặc chóng mặt nặng
  • Xuất hiện triệu chứng sưng môi, sưng mặt, dị ứng khắp người
  • Đột ngột bất tỉnh hoặc ngất xỉu

8. Trường hợp không nên tiêm Vaccine COVID

Những trường hợp sau không nên hoặc cần chẩn đoán của bác sĩ trước khi tiêm Vaccine COVID:

  • Trường hợp đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ (phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các triệu chứng như sốc, khó thở, mất ý thức, sưng môi/họng, phát ban nặng trên toàn thân) với bất kỳ thành phần nào của Vaccine COVID
  • Vaccine  Pfizer, Moderna được chống chỉ định tiêm cho các trường hợp có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với polyethylene glycol (PEG), thành phần liên quan hoặc polysorbate. Polyethylene glycol (PEG) được tìm thấy trong các sản phẩm như thuốc, sản phẩm chuẩn bị để nội soi ruột (chất làm sạch đường ruột), si-rô trị ho, mỹ phẩm, sản phẩm y tế dùng cho da và trong phẫu thuật, kem đánh răng, dung dịch ngâm ống kính và kính áp tròng…
  • Trường hợp đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ (phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các triệu chứng như sốc, khó thở, mất ý thức, sưng môi/họng, phát ban nặng trên toàn thân) sau khi tiêm Vaccine COVID lần 1
  • Có tiền sử dị ứng với thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm hoặc các loại Vaccine COVID khác
  • Không khuyến cáo phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 18 tuổi tiêm ngừa cho đến khi có kết quả nghiên cứu lâm sàng về tính an toàn và hiệu quả sau khi tiêm ngừa (có thể thay đổi theo giấy phép trong nước với từng loại Vaccine COVID)

9. Vaccine COVID có thể gây mắc bệnh COVID-19 không?

  • Không có Vaccine COVID nào ở Hàn Quốc được cấp phép và khuyên dùng mà chứa virus còn sống gây bệnh COVID-19. Điều này có nghĩa là vắc-xin COVID-19 không thể gây nhiễm bệnh COVID-19.
  • Vaccine  dạy cho hệ miễn dịch của chúng ta cách nhận biết và chiến đấu với chủng virus gây bệnh COVID-19. Có đôi khi, quy trình này có thể gây ra các triệu chứng chẳng hạn như sốt, nhưng các triệu chứng này là bình thường và là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh COVID-19.
  • Thông thường phải mất vài tuần sau khi tiêm chủng để cơ thể phát triển khả năng miễn dịch (bảo vệ khỏi virus gây bệnh COVID-19). Điều này có nghĩa là một người có thể bị lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm chủng và vẫn sẽ bị bệnh. Đây là do Vaccine  chưa có đủ thời gian để cung cấp sự bảo vệ.

10. Tiêm chủng xong có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 không?

  • Hiệu quả của Vaccine  phòng COVID-19 đã được thế giới công nhận. Tuy nhiên, không một loại Vaccine  nào đạt hiệu quả 100%, tức người đã hoàn thành tiêm chủng vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19.
  • Tuy nhiên, nếu tiêm Vaccine  rồi mà mắc COVID-19 thì bệnh sẽ nhẹ đi rất nhiều, sẽ giảm nguy cơ biến chứng hoặc tử vong so với trường hợp chưa tiêm Vaccine.
  • Trong giai đoạn chưa thể phổ cập tiêm chủng 100% ở Hàn Quốc nói riêng, thế giới nói chung thì người đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi vẫn có thể bị nhiễm và là nguồn lây cho những người khác. Vì vậy, người được tiêm vẫn cần thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, thực hiện khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế.

11. Vaccine COVID có ảnh hưởng tới việc mang thai không?

  • Hiện không có bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng Vaccine gây ra bất kỳ vấn đề nào đối với việc mang thai, kể cả sự phát triển của nhau thai. Ngoài ra, không có bằng chứng cho thấy tác dụng phụ của Vaccine, kể cả Vaccine ngừa COVID-19 liên quan tới các vấn đề về thụ thai.
  • Giống như tất cả các loại Vaccine khác, các nhà khoa học đang nghiên cứu kỹ lưỡng về Vaccine COVID để phát hiện các tác dụng phụ hiện tại và sẽ tiếp tục nghiên cứu chúng trong nhiều năm nữa.

12. Chính sách bồi thường của chính phủ Hàn Quốc

  • Ngày 10/5/2021, Giám đốc Uỷ ban Phòng chống Dịch bệnh Quốc gia Jung Eun Kyung cho biết sẽ hỗ trợ tối đa 430 triệu KRW/ người cho các trường hợp bị tàn tật hoặc tử vong sau khi tiêm chủng, nhưng với điều kiện phải chứng minh được “tính nhân quả” giữa việc tiêm Vaccine và nguyên nhân tử vong.
  • Tính từ ngày bắt đầu tiêm chủng (26/2/2021) đến ngày 17/5/2021, ở Hàn Quốc đã có 123 trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng, nhưng đều chưa chứng minh được rõ ràng mối liên quan giữa nguyên nhân tử vong với Vaccine COVID. Vì vậy mà những trường hợp bị biến chứng hay tử vong sau khi tiêm Vaccine COVID đều không nhận được hỗ trợ chi phí y tế đặc biệt nào.

Tuy nhiên, từ ngày 17/5/2021 (chính phủ Hàn Quốc đã có sự điều chỉnh về chính sách bồi thường như sau:

  • Ghi nhận mối quan hệ nhân quả: Khi xác định được quan hệ nhân quả của việc tiêm phòng và phản ứng bất lợi thì chính phủ sẽ bồi thường theo từng mức độ nghiêm trọng của bệnh tình.
  • Không chứng minh đủ quan hệ nhân quả: Đối với những bệnh nhân bị bệnh nặng không được bồi thường do không chứng minh được quan hệ nhân quả và không đủ dữ liệu hỗ trợ, thì chính phủ vẫn sẽ bồi thường 10 triệu KRW cho mỗi ca bệnh.
  • Không công nhận quan hệ nhân quả: Ngay cả những trường hợp không được công nhận quan hệ nhân quả sẽ vẫn được chính phủ hỗ trợ theo hình thức: Hỗ trợ khẩn cấp từ 3~6 triệu KRW tuỳ theo tiêu chuẩn thu nhập, hỗ trợ chi phí y tế:từ 20~30 triệu KRW tuỳ theo tiêu chuẩn thu nhập

13. Nhận giải đáp thắc mắc về tiêm chủng ở đâu?

Người nước ngoài nếu thắc mắc về thông tin tiêm chủng (có thể liên hệ đến một trong các trung tâm sau:)

  • Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (☎ 1339)
  • Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa(☎ 1577-1366)
  • Trung tâm tư vấn người nước ngoài (☎ 1577-0071)
  • Trung tâm thông tin tổng hợp dành cho người nước ngoài (☎ 1345)

Có thể bạn quan tâm: Cách đặt lịch tiêm Vaccine COVID-19 tại Hàn Quốc

Tổng hợp từ NCV

 

 

✌️ Bài viết được biên soạn bởi : Du học Hàn Quốc Hannam👉 Vui lòng trích nguồn khi sử dụng

DU HỌC HÀN QUỐC HANNAM – HANNAM EDUCATION
☎ Hotline/zalo: 0988757894 –Nguyễn Viết Toàn / 0397 883 787 – Đồng Văn Quyết
🏫 Add : 386 Trần Hưng Đạo, Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương.
✉ Email: hannamjsc@gmail.com
🌐 Facebook: www.facebook.com/hannamjsc
Liên hệ với Du học Hàn Quốc HANNAM để được tư vấn ngay

Comments

comments

Du Học Hàn Quốc Hannam

Liên hệ với du học Hannam để được tư vấn miễn phí và làm dịch vụ hồ sơ nhanh chóng: Mr. Toàn Phone: 0988 757 894 Mr. Quyết Phone: 01697 883 787